TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Bóng Tối Nhẹ Buông
Ngoài Song Cửa

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ký

Lời tác giả: Sau ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm: 30/4/1975. Những gia đình có người thân phục vụ cho chính thể VNCH đều bị đối xử tàn nhẩn do hận thù chủ nghĩa! Có những người vợ đã lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng họ vẫn giữ lòng thủy chung trọn vẹn nuôi chồng bị tù đày khổ ải nơi Miền Bắc xa xôi. Nhân dịp 40 năm ngày quốc hận 30/4/1975, nhà văn Dương Đại Trường viết truyện ký với nhan đề: Bóng Tối Nhẹ Buông Ngoài Song Cửa. Câu chuyện dựa theo lời kể của một người vợ của anh sĩ quan QLVNCH bị cải tạo và chết ở Miền Bắc Việt Nam . Câu chuyện thật sự xãy ra vào năm 1999, nhưng tên và cấp bậc của những nhân vật trong tác phẩm chỉ là hư cấu. Nếu có trùng tên với độc giả , xin độc giả niệm tình tha thứ ...
  Adelaide 30/4/2015
Nhà văn Dương Đại Trường

 

     Cứ mỗi lúc chiều về Hạnh hay thường ngồi bên song cửa nhìn ra ngoài ngắm hoàng hôn lặng lẻ rơi bên hiên nhà. Và mỗi lần như vậy Hạnh cảm thấy như trút bỏ được những phiền muộn, những lo lắng thiếu đủ bao vây quanh cuộc sống hằng ngày, giữa thời kỳ gạo châu củi quế và những khổ đau trong hoàn cảnh chồng bị tù đày lao lý!. Lắm khi Hạnh ngồi mãi cho tới khi trời khuya, buồn ngủ trong mệt mỏi mới trở vào nhà rồi ngã mình xuống giường, đánh một giấc dài cho tới trời sáng. Hạnh tập thành thói quen nầy kể từ khi chồng cô bị chính quyền cách mạng bắt đi học tập Cải Tạo. Có hôm Hạnh nấu nồi khoai mì cho ngày mai bán chợ, bỏ quên trên bếp lửa đến khi nghe mùi khét lẹt mới chợt nhớ và chạy vội vào nhà tắt lửa! Những lần khoai bị khét, Hạnh lui cui nhặt các củ khoai dưới đáy nồi để riêng cho đứa con gái ăn đở lòng buổi sáng.
      Cuộc sống cứ mãi dần trôi! Bé Phương, đứa con gái ngày nào còn bồng bế trên tay tiễn đưa chồng đi Cải Tạo, nay đã trở thành thiếu nữ mười lăm, đang bước vào thời kỳ tuổi dậy thì của đời người con gái. Những lúc nhìn trộm dung nhan dậy thì của đứa con mình, Hạnh thở dài thốt lên tiếng than vãn một mình:
- Trời ạ! Anh Trường bị cách mạng bắt đi học tập Cải Tạo đến nay đã gần 15 năm rồi! Con Phương bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu ngày tháng tù đày của ba nó.
     Và mỗi lần nhớ đến quãng thời gian dài xa cách chồng, khóe mắt của Hạnh khẻ rơi những giọt lệ bất chợt đến, không kềm chế được. Giọt lệ hình như mỗi ngày ít đi theo năm tháng úa tàn của người đàn bà đợi mong khắc khoải ngày trở về của người chồng trong chốn lao tù khổ ải! Nhớ lại hồi lúc chồng mới bị bắt đi học tập Cải Tạo, chính quyền Cách Mạng bảo rằng: “ Các anh chỉ học tập cải tạo vài ba tuần lễ rồi trở về sum hợp gia đình….”. Thời gian đã một năm, hai năm và cho tới hôm nay vẫn chưa thấy chồng được trả tự do như Cách Mạng đã hứa! Lúc chồng bị bắt đi cải tạo đã một năm, còn bị nhốt tù trong các trại giam ở Miền Nam, gia cảnh lâm vào túng thiếu nên Hạnh phải tần tảo nấu khoai mì bán chợ để kiếm tiền thăm nuôi chồng. Mỗi khi chiều về Hạnh rất nhớ chồng và thường hay ngồi ngoài mé hiên khóc một mình! Có những lần bé Phương nhìn thấy mẹ khóc, nó ngây thơ hỏi:
- Ai làm mẹ khóc vậy?
     Và khi con gái chợt hỏi, Hạnh cố gượng cười trả lời, nhằm để xua đi tò mò của bé Phương:
- Tại mắt mẹ bị khói rơm khi mẹ nấu khoai mì làm cay xé!
      Nghe mẹ nói bị khói làm cai mắt, bé Phương thơ ngây nói:
- Sao nhà mình không mua một cái lò điện giống như nhà của bác chủ tịch xã hả mẹ? Nếu có lò điện thì mắt mẹ sẽ không còn cay xè nữa!!!!
      Lời nói của bé Phương làm cho Hạnh đau xé ruột gan! Hạnh cố nén dòng cảm xúc đang xâm chiếm cỏi lòng, lấy tay xoa lên đầu đứa con giải thích:
- Bác ấy là chủ tịch, có chức vụ nên mới được tiêu chuẩn xài lò điện…
- Vậy hả mẹ!
     Bé Phương dừng một chút để suy nghĩ rồi hỏi tiếp:
- Con nghe bà Sáu bán chè nói: “ Ba mầy làm chức lớn trong chế độ Ngụy Quyền Sài Gòn…”. Bà ấy nói vậy là sao hả mẹ?
    Hạnh nghe con gái nhắc đến chữ “Ngụy”, trong lòng dâng lên niềm căm hận, giọng đanh thép phân tích dạy con:
- Ba con không phải là Ngụy như bà Sáu đã nói! Ba con là người chiến sĩ yêu chuộng tự do, ba con là một quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa…. Từ đây về sau, nếu có ai nói cha con là Ngụy, con phải trả lời với họ rằng: “ Ba tôi là người yêu nước, phục vụ chính thể Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ Miền Nam tự do.
     Bé Phương thấy mẹ bất chợt nổi giận, nó dịu giọng đáp:
- Dạ! Con biết rồi mẹ ơi!
      Thời gian cứ thế dần trôi với cuộc sống hẩm hiu của hai mẹ con giữa xã hội nhiễu nhương và dân chúng lầm than đói rách sau ngày tàn cuộc chiến! Hôm nay sau khi tan chợ, không như lệ thường Hạnh đi thẳng về nhà để lo cơm nước cho con gái và nấu nồi khoai mì chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai. Trưa nay Hạnh không về nhà, cô ghé vào tiệm tạp hóa mua những loại thực phẩm khô như: Mì gói, bột gạo lức, bánh kẹo, cá khô…. Những thức ăn mà tù nhân cần thiết để bồi dưỡng cơ thể bị suy dinh dưỡng do chế độ lao tù nhà nước cộng sản Việt Nam hạn chế khẩu phần ăn. Hạnh chuẩn bị chu đáo mọi thứ để tuần sau cô sẽ đi thăm chồng bị cải tạo nơi trại tù Hoàng Liên Sơn ở tận ngoài Miền Bắc.
      Cách nay mấy tuần, Hạnh đã làm đơn xin đi thăm nuôi chồng gởi cho Ủy Ban Nhân Dân xã nhưng vẫn chưa được ông trưởng công an chứng nhận chấp thuận! Cái lý do mà ông trưởng công an xã cứ hẹn lần hẹn lượt chưa ký Đơn Xin Thăm Nuôi chồng của Hạnh là bởi vì từ lâu nay hắn có ý định lấy Hạnh làm vợ, kể từ khi vợ hắn qua đời. Hắn đã nhiều lần có hành vi tỏ tình sàm sở với Hạnh nhưng đã bị cô từ chối! Vì vậy, đây là một cơ hội để hắn thị uy quyền lực của một ông trưởng công an, nhằm vào ý định áp lực tình yêu với Hạnh!...
    Đoán biết được điều nầy, sau khi mua xong những thứ thức ăn thăm nuôi chồng, Hạnh ghé vào Ủy Ban Nhân Dân Xã nhận lại Đơn Xin Thăm Nuôi. Vừa bước vào văn phòng, Hạnh đánh tiếng đẩy đưa với hắn:
- Anh trưởng công an ơi! Anh đã ký Đơn Xin Thăm Nuôi của em chưa?
    Hắn nghe Hạnh gọi với những lời ngọt ngào, từ bên trong văn phòng hắn bước ra, nói lời tán tỉnh lả lơi:
-  Anh chờ gặp mặt được em, anh mới ký đơn cho em chứ!.... Nhưng mà em đi thăm nuôi ai? Thằng Trường là kẻ theo đế quốc Mỹ bán nước hại dân, em còn xem nó là chồng hay sao? Em lấy anh làm chồng thì anh sẽ “đảm bảo” đời sống cho em và bé Phương suốt đời, ăn sung mặc sướng, khỏi phải thức khuya dậy sớm để bán khoai mì ngoài chợ... Nó có tội với nhân dân, nhưng được nhà nước cho đi Cải Tạo thành người tốt sau nầy. Thằng Trường thuộc diện sĩ quan, chính quyền cách mạng phải giáo dục nhiều năm mới tẩy não được nó… Em chờ đợi thằng Trường không sợ uổng phí tuổi xuân của em hay sao.?
     Hạnh nghe hắn nói, trong lòng điên tiết lên, định chữi vào mặt hắn mới hả dạ. Nhưng vì nghĩ tới chồng nên Hạnh cố đè nén cơn giận, nhẹ giọng xuống, cười xã giao với hắn:
- Anh nói cũng đúng! Em định đi thăm ba của bé Phương một lần nầy thôi! Khi trở về em sẽ làm vợ anh cho hết cuộc đời còn lại của em.
     Ông trưởng công an cười híp mắt, hắn gật đầu đắc ý:
- Thế mới là người thức thời, đúng như ông bà chúng ta đã nói: Chim khôn mới đậu nóc nhà quan.!
     Ngày mốt Hạnh lên đường đi thăm nuôi chồng. Mấy hôm rồi mọi thứ cô đều chuẩn bị xong xuôi: Bốn kilogram đường thẻ, cá khô, bánh kẹo và vài bộ quần áo mà ngày xưa Hạnh đã may cho chồng sau ngày đám cưới với nhau. Những bộ áo quần nầy chồng cô chưa mặc lần nào, xếp trong tủ áo quần cho đến nay, còn vương mùi long não! Vừa đặt những thứ thực phẩm vào chiếc giỏ đệm, Hạnh vừa nhớ lại nguồn tiền mà cô đã mua những thức ăn thăm nuôi chồng: Cá khô và bánh kẹo Hạnh đã mua bằng tiền bán chiếc áo dài cưới, những loại thuốc cảm cô mua từ tiền bán chiếc nhẩn của ngày đính hôn… Nói chung, tất cả thực phẩm, thuốc men đi thăm nuôi chồng đều do tiền bán những món đồ kỷ niệm của chồng ngày xưa mà Hạnh cố gìn giữ lại đến giờ nầy! Thu xếp xong xuôi mọi thứ vào hai chiếc giỏ đệm, Hạnh ngồi thừ trên sàn nhà nhìn ra ngoài sân suy nghĩ về con đường đi thăm chồng xa xôi vạn dặm, làm cho lòng cô dâng lên sự ngán ngẩm! Hạnh đã nghe vài người bạn đi thăm thân nhân bị Cải Tạo nơi trại tù Hoàng Liên Sơn, họ kể về những nhiêu khê khi đi thăm nuôi tù nhân tận ngoài Miền Bắc. Nghĩ đến đây Hạnh thở than một mình:
- Đã gần mười bốn năm mình chưa gặp mặt ba bé Phương. Nếu ba bé Phương có mệnh hệ gì mình sẽ hối hận lắm! Thôi! Dù gian nan vất vả đến đâu đi nữa, mình cũng phải đi thăm chồng một lần để cho bé Phương biết mặt cha của nó.
     Hôm nay là ngày Hạnh đi thăm chồng. Hạnh đánh thức bé Phương dậy sớm để đón chuyến xe đầu tiên lên Sài Gòn cho kịp thời biểu xe lửa lộ trình Nam-Bắc. Hạnh khệ nệ gánh hai chiếc giỏ đệm nặng trỉu chứa đựng những thức ăn khô cho chồng. Bé Phương vai mang chiếc xách tay đựng giấy tờ tùy thân và tiền bạc làm lộ phí…. Hai mẹ con nôn nao khởi hành cho cuộc hành trình sum hợp gia đình sau ngày tàn chinh chiến!
    Trên chuyến xe lửa Sài Gòn-Hà Nội, những toa hành khách chật nít người ngồi! Vì chỡ quá tải và đầu máy cũ kỹ nên động cơ phát ra âm thanh nghe nặng nề, ì ạch, nhả những làn khói đen ngùn ngụt bốc lên lơ lửng rồi tan dần vào không trung! Ngồi dựa lưng vào băng ghế, bé Phương nhìn ra bên ngoài ngắm cảnh dọc theo đường. Âm thanh của tiếng bánh sắt ma sát vào đường rầy nghe buồn bả. Những hàng cây, nhà cửa hai bên đường như lùi lại phía sau. Bé Phương nhìn cảnh vật chợt nhớ tới ba mình, quay mặt áp sát vào tai mẹ, thủ thỉ:
- Ba con là người như thế nào hả mẹ?
    Hạnh nghe con hỏi, đưa tay xoa vào đầu bé Phương, trìu mến trả lời:
- Ba của con là một chiến sĩ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Ba con tình nguyện nhập ngũ vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ Miền Nam Tự Do và Dân Chủ.!
- Như vậy thì tại sao ba của con bị nhốt tù?
- Con còn nhỏ nên chưa biết về nguyên do cuộc chiến giữa Quốc Gia và Cộng Sản. Ba con bị nhốt tù vì hệ quả của hận thù giữa hai chủ nghĩa!...
     Hai mẹ con đang trò chuyện thì thầm với nhau, bà cụ ngồi bên cạnh có cùng hoàn cảnh đi thăm nuôi đứa con bị tù đày ở Miền Bắc, nói xen vào làm quen:
- Cô đi thăm nuôi chồng mấy lần rồi?
- Dạ! Lần đầu tiên…..  Bác đi ra Hà Nội mua bán hay có chuyện chi?
     Bà cụ thở dài, khẻ đáp:
- Tôi cũng như cô, tôi đi thăm nuôi thằng con trai!
- Anh ấy bị học tập cải tạo bao lâu rồi hả bác?
      Bà cụ lầm thầm tính lại rồi trả lời với Hạnh:
- Mười bốn năm, sáu tháng và tám ngày…!!!
- Ồ! Sao bác nhớ rỏ từng ngày vậy?
     Bà cụ như ứa lệ trả lời:
- Tôi nhớ rỏ lắm! Bởi vì gia đình tôi có ba người đang sống hạnh phúc êm đềm trong căn nhà nhỏ nơi ngoại ô Sài Gòn: Tôi, chồng tôi và đứa con trai duy nhất. Nhưng biến cố 30/4/1975 giáng xuống gia đình tôi thảm trạng ly tan: Chồng và con của tôi bị tù đày! Hai cha con bị chuyển ra Bắc cùng lúc. Chồng tôi bị cải tạo đã bốn năm thì bị bệnh chết, bỏ thây nơi vùng núi đồi Hoàng Liên Sơn. Cuối năm 1979, trong lúc chồng tôi đang bị giam tại trại Vĩnh Phú, tôi được chính quyền cho làm đơn xin thăm nuôi. Ngày nhận được giấy phép cho đi thăm nuôi, tôi rất vui mừng vì gần tám năm rồi mà tôi chưa gặp mặt chồng và con, kể từ ngày họ bị chuyển ra Bắc. Nhưng vừa mừng lại vừa lo! Tôi lo lắng là vì mấy năm vừa qua, tôi đã bán sạch tất cả của nổi và của chìm để sinh sống, thăm nuôi chồng và con, khi ấy họ còn bị giam giữ ở trong Miền Nam. Nhưng nhờ trời thương, tôi có đứa em gái vượt biển được qua Mỹ định cư nên dì nó gởi tiền bạc về cho tôi thăm nuôi hai cha con họ….Nhưng được đi thăm chồng tôi lần đó, không bao lâu sau anh ấy qua đời với chứng bệnh phổi do ảnh hưởng thời tiết giá lạnh của núi đồi Hoàng Liên Sơn!
       Nghe bà cụ kể về hoàn cảnh, Hạnh buồn tủi tâm sự:
- Bác cũng còn có đứa em trợ giúp tiền bạc thăm nuôi. Cháu đây đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn về vật chất sau ngày 30/4/1975 nên mãi cho tới hôm nay mới cố gắng đi thăm chồng lần đầu tiên!...
    Bà cụ nghe Hạnh than vãn, bà thở dài:
- Nếu tôi không nhờ đứa em gái trợ giúp thì cũng không tốt hơn gì hoàn cảnh của cô đây! Mỗi năm, em tôi gởi tiền về giúp nên tôi mới có điều kiện để mua thực phẩm và thuốc men thăm con trai tôi!
- Bác đã thăm nuôi anh ấy nhiều lần rồi, chắc biết rành rẽ đường đi lối bước?
     Bà cụ nghe Hạnh hỏi, bà trao đổi kinh nghiệm đi thăm tù cải tạo với Hạnh:
- Đi xe lửa xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội, thông thường mất hết ba ngày hai đêm. Nếu đi thăm tù vào những lúc gần Tết, hành khách ngồi trong xe lửa chật nít như cá mòi trong hộp, gặp những lúc nầy tôi phải ngủ ngồi trên chiếc băng gỗ!
- Thực phẩm thăm nuôi bác mua trong Nam hay ra Bắc mới mua?
- Những loại thực phẩm khô như: Sữa hộp, cá chà bông, mắm ruốc xào xả ớt, đậu phộng rang muối, bánh kẹo... Tất cả tôi đều mua trong Nam rẻ hơn ngoài Bắc. Cực chẳng đã  những thứ thực phẩm tươi tôi mới mua ở Hà Nội.
- Cháu mới đi thăm chồng lần đầu nên không hiểu những thứ gì cần thiết cho người tù hả bác!?
- Thông thường người tù cần những thức ăn để dành được lâu và cho nhiều calori như: Đường, bánh kẹo các thứ…
    Bà cụ nhìn thấy cử chỉ và lời nói thật thà của Hạnh, bà mở lời tâm sự:
- Hồi trước tôi có đứa con gái trạc tuổi của cô, em kế của thằng Tâm con trai tôi. Nhưng con gái tôi đã bị chết trong lần Việt Cộng pháo kích vào trại gia binh của quận lỵ….
     Kể đến đây, bà cụ quay sang Hạnh rồi khẻ nói:
- Nhìn cô tôi nhớ đến đứa con gái quá! Cô có đôi mắt giống con gái tôi lắm!
     Nghe bà cụ nói Hạnh giống con gái của bà, Hạnh mĩm cười gợi tâm ý:
- Như vậy thì bác nhận cháu làm con nuôi nhé?
     Bà cụ đáp nhanh:
- Tôi đồng ý! Kể từ bây giờ, cô phải gọi tôi là má Hai. Vì tôi là chị cả trong gia đình có bốn anh chị em.
- Dạ!
     Bé phương nghe hai người kết nghĩa mẹ con, nó xen vào:
- Bây giờ con có được bà ngoại Hai. Ôi! Hạnh phúc quá!
       Xe lửa đến ga Hà Nội lúc chiều tối, ba người thuê phòng trọ qua đêm. Sáng hôm sau, bà Hai dẫn Hạnh đi chợ mua thực phẩm tươi để phụ thêm thực phẩm khô mang từ Sài Gòn ra thăm tù. Bà Hai đi thăm con trai nhiều lần nên quen đường đi lối bước. Bà gọi xe xích lô chở Hạnh và bà đi chợ, bé Phương ở lại nhà trọ coi chừng đồ đạc. Người phu xe chở mẹ con bà Hai, biết hai người từ Miền Nam ra thăm nuôi thân nhân, vừa ì ạch đạp xe vừa gợi chuyện:
-Tôi nhìn mấy bà đây, biết ngay là người từ Miền Nam đi thăm mấy ông bị “cải tạo”….
     Người phu xe im lặng giây lát rồi nói tiếp:
- Chế độ Việt Nam Cộng Hòa dở quá! Tụi nầy ở Bắc sống nhiều thập niên trong hoàn cảnh đói khổ, mất tự do, không dân chủ…. Chúng tôi trông mong mấy ông Miền Nam ra giải phóng Bắc Việt. Thế mà hôm nay xãy ra chuyện ngược đời: Miền Bắc giải phóng Miền Nam, khiến cho mấy ông sĩ quan của chế độ Sài Gòn phải bị đi Cải Tạo!!!!
      Hạnh nghe người phu xe nói huỵch toẹt tư tưởng của hắn, Hạnh kề vào tai má Hai hỏi nhỏ:
- Sao ông phu xe dám nói những lời nầy hả má..?
- Bây giờ người dân Miền Bắc đã giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản rồi con ơi: Họ vào thăm Miền Nam nên biết chế độ cộng sản đã lạc hậu, lỗi thời…
     Từ Hà Nội đến trại cải tạo phải mất một ngày đường. Thông thường người đi thăm nuôi đến trại thì trời đã xế chiều, thân nhân phải ngủ một đêm trong những căn nhà tranh dành riêng cho khách thăm nuôi từ phương xa đến. Sáng hôm sau, má Hai và Hạnh được hướng dẫn đến phòng thăm nuôi. Trong phòng, có một bàn gỗ dài cỡ ba thước đặt chính giữa và hai cái băng dài đặt hai bên. Thân nhân thăm nuôi ngồi một bên và tù nhân ngồi đối diện, nhằm tạo ngăn cách để dể kiểm soát cuộc nói chuyện! Và theo nội qui của trại cải tạo, thân nhân và tù nhân không được nói gì ngoài những lời thăm hỏi sức khỏe và gia cảnh ở quê nhà….
       Đến phiên Hạnh trình giấy phép, anh cán bộ trại cải tạo cầm giấy tờ lên văn phòng. Một lúc sau trở lại, với giọng nói buồn bã anh báo tin cho Hạnh:
- Chồng của chị đã chết cách nay ba hôm! Thư báo tử đã gởi về địa phương rồi, chắc vì hệ thống thư tín chậm trể nên chị chưa nhận được thư!
      Vừa nghe anh cán bộ nói, Hạnh bàng hoàng, choáng váng, đứng không vững, như muốn té quỵ xuống đất. Rồi Hạnh quay sang bé Phương khóc thét lên:
- Trời! Con ơi, ba con đã chết!!!
      Má Hai đang ngồi nói chuyện với con trai nơi cuối phòng, nghe tiếng khóc than của Hạnh, chạy vội đến vổ về đứa con nuôi:
- Bình tĩnh đi con! Số Trời đã định!
      Hạnh gục đầu vào vai má Hai, khóc kể:
- Anh ơi! Sao anh không chờ em thêm ba ngày nữa rồi hả ra đi… Anh không chờ để gặp mặt đứa con mình! Đứa con ngày xưa em bồng trên tay tiễn đưa anh đi cải tạo….
      Nghe tiếng khóc của Hạnh và bé Phương, cả phòng thăm nuôi ai cũng hướng mắt nhìn về phía cô. Trong những người nhìn Hạnh, có vài đôi mắt ứa lệ xót thương cho người chồng xấu số của cô bỏ thây nơi chốn ngục tù. Má Hai đở Hạnh đứng lên, khẻ bảo:
- Nín đi con! Con đến thăm thằng Tâm cho biết mặt anh em với nhau. Kể từ bây giờ con là đứa em gái của nó.
     Trại tù Hoàng Liên Sơn chiều nay phủ kín sương mù! Ngồi trong căn nhà dành cho người thăm nuôi tạm nghỉ qua đêm, Hạnh nhìn về hướng trại tù ẩn hiện sau những hàng cây của núi đồi trùng điệp! Tâm tư cô chợt hiện về những kỷ niệm với chồng. Những kỷ niệm giờ đây sẽ không bao giờ tìm lại được khi chồng cô đã ra đi biền biệt không có ngày trở về! Còn gì nữa: Những ngày tháng bên nhau khi mối tình đầu đến với Hạnh, những kỷ niệm đi thăm người yêu lúc Trường còn là khóa sinh nơi quân trường Thủ Đức, những lần đi thăm chồng vì bận miệt mài hành quân trên những nẻo đường quê hương nơi vùng hỏa tuyến… Đêm nay, Hạnh cũng lặn lội đường xa, vượt muôn ngàn vạn dặm đến thăm chồng nơi trại tù khổ ải! Nhưng lần đi thăm nầy đã đánh mất hy vọng của cô sau gần mười lăm năm xa vắng chồng: Anh đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại với gia đình nữa! Nghĩ đến đây, những giọt lệ khẻ rơi làm nhạt nhòa vùng không gian trước mắt nơi khu trại cải tạo Hoàng Liên Sơn mà chồng cô đã gần mười lăm năm chịu đựng ngày tháng tù đày gian khổ. Ngoài song cửa nhà thăm nuôi, bóng tối của đêm đen bắt đầu che khuất những ngọn cây trên đỉnh núi đồi trùng điệp. Một luồn gió nhẹ mang hơi lạnh thổi đến làm cho cô cảm thấy thêm băng giá cỏi lòng! Hạnh vội lấy chiếc áo trong giỏ đệm ra phủ lên mình giữ ấm cho bé phương rồi nằm xuống bên cạnh con gái trằn trọc đi vào giấc ngủ.
        Trời vừa tờ mờ sáng, Hạnh đánh thức bé Phương để cùng với má Hai đến văn phòng giám thị trại cải tạo xin đi viếng mộ chồng và cha nuôi. Nấm mộ ba của bé Phương chưa khô đất! Mộ chí làm bằng miếng ván dày độ ba phân, trên mộ chí ghi khắc ngày sinh tháng tử do những bạn tù dựng lên. Có lẽ vì khía cạnh chính trị nên chi tiết trên mộ chí ghi rất đơn sơ, không nhắc nhở gì về đời binh nghiệp:
* Ông Trần Trung Trường
    Sinh ngày 18/9/1945
    Tử ngày 18/9/1989
        Hạnh nhìn mộ bia của chồng, đốt ba nén hương, miệng lầm thầm khấn vái:
- Anh Trường ơi! Em và con vì hoàn cảnh kinh tế gia đình nên mãi đến hôm nay mới đi thăm anh được! Nhưng anh đã bỏ em và con ra đi không một lời từ giã! Sống khôn, thác linh. Anh phù hộ cho em được khỏe mạnh để nuôi nấng bé Phương thành tài.    
       Má Hai nghe Hạnh khấn vái, bà cũng nói nhỏ trước mộ chồng:
- Ông ơi! Tôi vừa nhận đứa con gái nuôi cho gia đình mình. Chồng nó bị cải tạo chung trại Hoàng Liên Sơn với ông, thằng Trường đã chết cách nay ba hôm! Nơi suối vàng, cha vợ và con rể đùm bọc nhau ông hởi!
      Kể từ ngày Hạnh được bà Hai nhận làm con nuôi, tháng nào bà Hai cũng ghé nhà Hạnh vài lần giúp đở ít tiền bạc để Hạnh làm vốn mua bán sinh sống. Má Hai và Hạnh bây giờ quan hệ như người thân ruột thịt. Trong dịp lễ 30/4/1995, con trai bà Hai được nhà nước khoan hồng thả tự do. Ngày sum họp gia đình của Tâm, bà Hai làm buổi tiệc ăn mừng, tạ ơn Trời Phật và mời bà con lối xóm đến tham dự. Trong lúc có đầy đủ bà con láng giềng, bà Hai thình lình tuyên bố ý định của bà từ lâu mà không cho Hạnh biết trước:
- Hôm nay, tôi mời quí bà con đến đây dự tiệc ăn mừng con trai tôi được trả tự do. Nhân đây, tôi cũng báo tin vui ra mắt đứa con dâu của tôi là Trần Ngọc Hạnh. Con dâu tôi và cháu gái Phương sẽ cùng chồng nó xuất cảnh qua Mỹ theo diện HO…..
      Hạnh bất chợt nghe má Hai chấp nhận mình là con dâu, mắt ứa lệ vì cảm động, Hạnh nói ấp úng:
- Cám ơn mẹ đã nhận con làm dâu! Em cám ơn anh Tâm lấy em làm vợ.
      Tâm nghe Hạnh nói lời cám ơn, quay sang hôn nhẹ vào má Hạnh, nói lên tâm ý của mình:
- Em phải cám ơn mẹ nhiều hơn anh! Nếu mẹ không nói cho anh biết những hoàn cảnh và sự thủy chung của em với ba bé Phương thì làm sao anh tìm được người vợ tốt như em!!!...
       Sau bốn mươi năm ngày tàn cuộc chiến vô nghĩa, nơi đất khách quê người Hoa Kỳ. Chiều nay sau khi cơm nước xong xuôi, Hạnh ngồi trước hiên nhà nhớ lại thời gian dài hơn nữa đời người, biết bao thăng trầm thế sự, biết bao người vợ hiền chịu đựng hoàn cảnh đau thương khi có chồng bị đi cải tạo và biết bao trẻ thơ sống đời mồ côi khát khao hạnh phúc gia đình!!!!
       Nghĩ đến những hoàn cảnh bi thương đó, Hạnh thở dài đứng dậy đi vào nhà. Bên ngoài, bóng tối bắt đầu phủ trùm không gian yên tĩnh của buổi chiều California. Phút chốc, Bóng Tối Nhẹ Buông Ngoài Song Cửa, phủ kín nấm mộ dĩ vãng đau thương của bốn mươi năm ngày tàn cuộc chiến....!

Dương Đại Trường
 Adelaide, 30/4/2015
Viết tặng cho những bà vợ Việt Nam Có chồng đi học tập cải tạo!